Để bảo đảm an toàn thực phẩm,
phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Trung tâm Y tế
huyện Cam Lộ khuyến cáo đến tất cả người tiêu dùng 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm sau:
1. Chọn thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm
và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch gọt vỏ trước khi ăn.
- Đối với tất cả các loại thực
phẩm, nên mua ở những địa điểm bán hàng có uy tín, chất lượng; đảm bảo vệ sinh.
- Chọn thịt: Thịt có dấu chứng
nhận của cơ quan thú y trên sản phẩm và nhãn mác sản phẩm; thịt tươi thì bề mặt
khô mịn, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ấn ngón tay vào
thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Không
nên mua thịt có màu sẫm, hoặc có vết bầm ở cơ hoặc các nốt, các đám xuất huyết
trên da, không nên mua thịt có màu nhợt
nhạt hoặc có các bọc trắng trong thớ thịt; Đối với thịt đông lạnh cần xem kỹ
nhãn mác xuất xứ và hạn sử dụng ghi trên bao bì.
- Chọn cá: Tốt nhất nên chọn
cá còn sống; nếu cá không còn sống cần chọn cá có bề ngoài nhớt bóng, vảy cá
không rời ra, mắt trong suốt, mang cá đỏ tươi hoặc hồng hào, toàn thân nguyên
vẹn, không có mùi bất thường như mùi tỏi, mùi dầu (cá bị nhiễm độc).
- Chọn rau, củ, quả: lựa chọn rau
củ quả màu sắc tươi xanh tự nhiên, cầm chắc tay, nặng tay, bề ngoài nguyên vẹn
không bị trầy xước, không mọc mầm, không dập nát; một số loại rau ăn lá không
nên chọn rau có bề mặt nhẵn bóng, xanh mướt vì có thể sản phẩm đó được sử dụng
các loại phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn tồn dư trong rau và bề
mặt; không nên mua những loại củ quả được gọt sẵn.
- Chọn thực phẩm bao gói sẵn: Phải
xem nhãn mác với đẩy đủ các nội dung sau: Tên thực phẩm, Tên, địa chỉ thương
nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá, Định
lượng, Thành phần, Chỉ tiêu chất lượng, Ngày sản xuất, hạn sử dụng, Hướng dẫn
bảo quản, hướng dẫn sử dụng, Xuất xứ của
hàng hoá; ngoài ra không mua thực phẩm mà bao bì, hộp bị biến dạng, nắp hộp
không bị phồng, bị lõm, bị gỉ, bị thủng…
2. Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, để có thể tiêu diệt
các vi khuẩn gây bệnh.
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín: Thực phẩm đã nấu chín sẽ
nguội dần khi ở nhiệt độ thường, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát
triển. Thời gian để càng lâu, nguy có nhiễm khuẩn càng cao. An toàn nhất, chúng
ta nên ăn ngay thức ăn khi vừa được nấu chín.
4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã
nấu chín: Nếu
muốn chế biến trước thực phẩm hoặc lưu giữ thức ăn thừa sau 5 giờ đồng hồ, cần
phải giữ nóng liên tục ở nhiệt độ nóng (trên 60°C) hoặc lạnh (dưới 10°C). Thức ăn cho trẻ nhỏ
không nên dùng lại.
5. Nấu lại thực phẩm thật kỹ: Thực phẩm dù
được bảo quản đúng cách có thể giảm bớt sự phát triển của vi khuẩn nhưng không
diệt được các vi khuẩn, do đó đây là cách tốt nhất để diệt vi khuẩn (có thể)
phát triển trong quá trình bảo quản thực phẩm.
Một lần nữa, đun kỹ nghĩa là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm
phải đạt tới trên 70°C.
6. Không để lẫn thực phẩm chín và sống: Thực phẩm chín có thể bị ô
nhiễm qua tiếp xúc với thực phẩm sống. Ví dụ, khi chế biến thịt sống và sau đó
dùng chung thớt, dao để thái thịt đã nấu chín, làm như vậy sinh vật gây bệnh
trong thực phẩm sống sẽ lây nhiễm qua thực phẩm chín gây ra các bệnh truyền qua
đường thực phẩm.
7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ:
Rửa tay kỹ trước khi chế biến
thực phẩm và sau khi có những công việc khác làm gián đoạn quá trình chế biến
như sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm khác.
Sau khi chế biến thực phẩm sống
như cá, thịt, thịt gia cầm… nên rửa tay thật sạch trước khi chế biến các thực
phẩm khác.
Nếu tay có vết
thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.
Những vật nuôi trong nhà như
chó, mèo… thường là những tác nhân gây bệnh nguy hiểm có thể truyền qua tay vào
thực phẩm.
8. Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch
sẽ, hợp vệ sinh:
Thực phẩm rất dễ bị ô nhiễm, bất
kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thực phẩm cũng phải được giữ sạch,chỉ cần một
mẫu nhỏ thực phẩm bị ô nhiễm cũng sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn của các mầm bệnh.
Khăn lau bát, đĩa và các dụng
cụ nấu nướng phải được thay và đem luộc thường xuyên trước khi sử dụng lại.
Thường xuyên giặt sạch sẽ khăn lau sàn nhà bếp.
9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, các loài gặm nhấm và các
động vật khác:
Các loài côn trùng, động vật
thường chức các vi sinh vật gây bệnh truyền qua thực phẩm, do vậy cách tốt nhất
nên bảo quản thực phẩm bằng các vật chứa, thiết bị được đóng kín.
Ví dụ: Che đậy giữ thực phẩm
trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã
dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
10. Sử dụng nguồn nước sạch:
Nước sạch là nước không màu, không
mùi, không có vị lạ và không chứa mầm bệnh.
Nên sử dụng nước sạch hoặc xử lý nước
trước khi sử dụng, nước chưa đun sôi và nước đá có có thể chứa những vi khuẩn
gây hại. Hãy đun sôi nước trước khi làm đá uống.
Đặc biệt cẩn thận với nguồn
nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.
Người viết bài: Nguyễn Thị Phương Dung