Mỗi năm, hàng chục ngàn ca sốt xuất
huyết được ghi nhận tại Việt Nam, đặc biệt vào mùa mưa là thời điểm muỗi truyền
bệnh (muỗi vằn Aedes aegypti) sinh sôi nhanh chóng. Bệnh chưa có thuốc điều trị
đặc hiệu và có thể gây tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết sớm, xử trí kịp thời:
- Sốt cao đột ngột, liên tục 2–7 ngày
- Đau đầu, đau hốc mắt, mệt mỏi, buồn
nôn
- Có thể xuất hiện chấm xuất huyết dưới
da, chảy máu chân răng, chảy máu cam.
- Trường hợp nặng có thể có dấu hiệu
cảnh báo như: đau bụng, nôn nhiều, lừ đừ, tiểu ít, chảy máu nội tạng...
Nếu nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến ngay cơ
sở y tế để được theo dõi và điều trị.
Phòng bệnh từ gốc – diệt muỗi, diệt lăng
quăng là then chốt: Muỗi
vằn đẻ trứng trong nước sạch đọng ở dụng cụ chứa nước quanh nhà. Vì vậy, loại
bỏ nơi sinh sản của muỗi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Để chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết,
mỗi cá nhân, gia đình cần:
- Thau rửa lu, khạp, xô, chậu chứa nước
ít nhất 1 lần/tuần.
- Lật úp vật dụng có thể chứa nước (vỏ
lon, chai lọ, lốp xe…).
- Dọn vệ sinh quanh nhà, khơi thông máng
nước, cống rãnh.
- Thay nước bình hoa mỗi ngày, thả cá
vào bể nước.
- Ngủ mùng kể cả ban ngày, sử dụng
kem/xịt chống muỗi.
- Phối hợp khi có chiến dịch phun hóa
chất diệt muỗi tại địa phương.
Tin vui: đã có vắc-xin phòng sốt xuất
huyết
Bên cạnh các biện pháp truyền thống,
vắc-xin phòng sốt xuất huyết là bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát dịch
bệnh. Tuy nhiên, vắc-xin không thay thế thuốc đặc trị và biện pháp hiệu quả
nhất vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng.
Sốt xuất huyết không chừa một ai. Đừng
để đến khi có người thân nhập viện mới bắt đầu lo lắng. Chủ động phòng bệnh là
cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và chính bản thân mình.
“KHÔNG
CÓ LĂNG QUĂNG, BỌ GẬY – KHÔNG CÓ SỐT XUẤT HUYẾT”
