Địa chỉ: Khóm 4, Thị trấn Cam Lộ, Huyện Cam Lộ, Tỉnh Quảng Trị
Phòng, chống bệnh Viêm não Nhật Bản
Cập nhật 12/08/2019 Lượt xem 928

Thời tiết nắng nóng và mưa bất thường là điều kiện thuận lợi cho sự lây lan các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản là bệnh do nhiễm vi rút cấp tính. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5, 6, 7. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Ngoài ra, bệnh có thể gây ra di chứng nặng nề về thần kinh, vận động (động kinh, hôn mê sâu, co giật,..)

1. Nhóm tuổi có nguy cơ mắc?

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm hơn 90% số ca mắc).

2. Đường truyền bệnh

Vi rút gây viêm não Nhật Bản được truyền sang người qua muỗi mang mầm bệnh đốt (chủ yếu là muỗi Culex). Ổ chứa vi rút gây viêm não Nhật Bản có trong các loài chim hoang dã, lợn, ngựa,…

Vi rút viêm não Nhật Bản tồn tại quanh năm nhưng lây truyền mạnh nhất sang người vào mùa hè do đây là thời điểm muỗi sinh sôi và phát triển mạnh.

3. Các dấu hiệu của bệnh (diễn biến theo 3 giai đoạn: ủ bệnh, toàn phát, khỏi bệnh)

Thời kỳ ủ bệnh:

Thường kéo dài từ 5 đến 14 ngày, sớm nhất là 24 giờ.

Bệnh thường khởi phát rất đột ngột với các dấu hiệu như: sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó sốt cao, co cứng cơ, run, liệt nửa người và lú lẫn. Ở một số trẻ nhỏ, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn.

Thời kỳ toàn phát:

Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ở thời kỳ này vi rút xâm nhập vào tế bào não tủy hủy hoại các tế bào thần kinh. Bước sang thời kỳ khởi phát các triệu chứng không giảm mà lại tăng lên bệnh nhân hôn mê sâu dần.

Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật tăng lên như vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí quản. Mạch thường nhanh và yếu.

Thời kỳ toàn phát diễn ra ngắn, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê sâu với rối loạn các chức năng sống. Những bệnh nhân vượt qua thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.

Thời kỳ khỏi bệnh:

Thông thường bước sang tuần thứ 2, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ và vào khoảng ngày thứ 10 trở đi nhiệt độ trở về bình thường nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh, không còn những cơn co cứng, bệnh nhân hết nôn và đau đầu.

4. Điều trị

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu điều trị triệu chứng, hồi sức tích cực, phục hồi chức năng và nâng cao thể trạng.

5. Phòng bệnh

- Tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất. Nhưng phải tiêm đúng và tiêm đủ để tạo ra miễn dịch cơ bản và bền vững cho cơ thể.

Tiêm mũi 1 khi trẻ 12 tháng tuổi trở lên, mũi 2 sau đó 1 – 2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3 – 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua tuổi 15.

- Muỗi là con vật trung gian truyền bệnh nên để đề phòng người dân cần vệ sinh nhà của sạch sẽ, thông thoáng, diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng hóa chất, hương muỗi, phòng chống muỗi đốt bằng cách: mặc quần áo dài tay, ngủ màn.

- Không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt.

- Các hộ gia đình chăn nuôi cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, xây dựng khu chăn nuôi cách xa nhà để tránh muỗi đốt, bảo đảm sức khỏe. 

Tài liệu dựa theo quyết định 4283/QĐ-BYT ngày 08 tháng 08 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Người viết bài: Nguyễn Thị Thanh Hương

Các tin khác
Phòng chống COVID-19 (- Ngày cập nhật: 18/02/2020)
Muỗi vằn truyền bệnh Sốt xuất huyết (- Ngày cập nhật: 24/09/2019)
Phòng chống bệnh Tay chân miệng (- Ngày cập nhật: 16/10/2018)
PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM DO HÓA CHẤT (- Ngày cập nhật: 24/09/2018)
Cách phòng chống bệnh cúm A/H1N1 (- Ngày cập nhật: 13/08/2018)
Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ (- Ngày cập nhật: 30/07/2018)
Các bệnh ngoài da thường gặp (- Ngày cập nhật: 27/07/2018)
Phòng, chống bệnh Sởi - Rubella (- Ngày cập nhật: 12/07/2018)
Những dấu hiệu nghi ngờ ung thư vú (- Ngày cập nhật: 06/10/2015)
Chăm sóc trẻ bị sốt (- Ngày cập nhật: 06/10/2015)