Địa chỉ: Khóm 4, Thị trấn Cam Lộ, Huyện Cam Lộ, Tỉnh Quảng Trị
Bài kể chuyện sinh hoạt dưới cờ tháng 01 năm 2019
Cập nhật 17/09/2019 Lượt xem 863

Bác Hồ đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh cho tự do, hạnh phúc, cho áo ấm, cơm no của dân tộc. Bác của chúng ta “cao mà không xa, mới mà không lạ, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. Ở Người toát lên sự chân thật, giản dị, tình yêu thương vô bờ bến với nhân dân. Người là kết tinh vẻ đẹp Việt Nam, nhân cách Việt Nam. Khi còn sống Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Và người đã dành trọn cả cuộc đời mình để thực hiện ham muốn ấy. Trước lúc vĩnh viễn đi xa Người còn căn dặn: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bè bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.

Tấm lòng nhân ái, bao dung, yêu thương con người đã làm nên giá trị tinh thần lớn lao và sâu sắc của vị Cha già kính yêu - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm vì con người của Bác đã trở thành một triết lý nhân sinh cao cả, kết tinh từ những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại.

Tại buổi lễ chào cờ hôm nay, thay mặt phòng Dân số, tôi xin kể câu chuyện “Bác không thăm những người như mẹ con thím thì còn thăm ai?” được trích trong 117 chuyện kể về tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Câu chuyện như sau:    

Khoảng 11 giờ tối 30 Tết năm Nhâm Dần (1962), đường phố Hà Nội mịt mù trong làn mưa bụi, trời lạnh tê tái. Chiếc xe ô tô chở Bác và những người đi cùng dừng lại ở đầu một con ngõ sâu hun hút. Đoàn người đi vào và dừng trước một ngôi nhà đơn sơ. Thấy người lạ, cháu lớn nhất với cặp mắt nhìn đoàn khách như dò hỏi nhưng vẫn lễ phép:

- Cháu chào các bác ạ !

- Mẹ cháu đâu? - Đ/c  Phan Văn Xoàn - Cận vệ của Bác hỏi cháu bé .

Nghe tiếng người, chị Chín từ trong bếp đi ra, vai quẩy đôi thùng và nói: Bác ạ, bác hỏi gì cháu?

Chị vừa trả lời vừa nhìn đ/c Xoàn với vẻ mặt hơi ngạc nhiên, thấy vậy, đ/c Xoàn vội bảo:

- Chị ạ, chị ở nhà à, có khách đến thăm Tết đấy!

Vừa lúc ấy, Bác đã bước vào. Chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Chiếc đòn gánh bỗng rơi khỏi vai chị. Chiếc thùng sắt gieo xuống đất kêu loảng xoảng. Đ/c Xoàn vội xếp lại hộ chị. Mấy cháu nhỏ kêu lên: “Bác Hồ, Bác Hồ” rồi chạy lại quanh Bác.

Lúc này chị Chín mới như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm choàng lấy Bác và bỗng nhiên khóc nức nở. Đôi vai gầy sau làn áo nâu bạc rung lên từng đợt.

Bác đứng lặng, hai tay Người nhẹ nhẹ vuốt lên mái tóc chị Chín. Chờ cho chị bớt xúc động, Người an ủi:

- Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc?

Tuy cố nén, nhưng chị Chín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói:

- Có bao giờ…có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…, mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá! Mừng quá…thành ra con khóc…

Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và bảo:

- Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai?

Người xoa đầu các cháu và cho các cháu kẹo, rồi hỏi chị Chín:

- Thím hiện nay làm gì?

- Dạ, cháu làm phu khuân vác ở Văn Điển ạ!

- Như vậy là làm công nhân chứ! Sao lại gọi là phu?

- Vâng ạ, cháu trót quen miệng như trước kia.

- Thím vẫn chưa có công việc ổn định à?

- Dạ, cháu đã ngoài ba mươi tuổi, lại kém văn hóa nên tìm việc có nghề nghiệp cũng khó.

Bác quay nhìn đồng chí Phó bí thư Thành ủy và đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội. Bác lại hỏi:

- Mẹ con thím có bị đói không?

- Thưa Bác, hồi Tây còn ở đây thì dẫu có cả bố cháu cũng vẫn đói ạ! Bây giờ bố cháu mất rồi, nhưng đói thì không ngại, rét cũng không lo, song việc chi tiêu thì còn chắt chiu lắm ạ!

Nói tới đây chị lại rơm rớm nước mắt.

Bác chỉ vào cháu lớn nhất và hỏi:

- Cháu có đi học không?

- Dạ, cháu đang học lớp bốn ạ! Cháu nó vất vả lắm! Sáng đi học, chiều về phải trông các em và đi bán kem, hoặc bán lạc rang để đỡ đần cháu…Còn cháu thứ hai thì học lớp ba, cháu thứ ba học lớp hai. Dạ, khó khăn nhưng vợ chồng cháu trước đã dốt nát, nay cũng phải cố cho các cháu đi học.

Bác tỏ ý bằng lòng. Người ân cần dặn dò việc làm ăn và việc học tập cho các cháu. Nhân dân trong ngõ đã tới quây quần trước sân. Bác bước ra thăm hỏi và chúc Tết bà con. Mọi người cùng mẹ con chị Chín theo tiễn Bác ra xe. Khi chiếc xe từ từ lăn bánh, mấy mẹ con chị vẫy chào Bác, nhưng nét mặt chị Chín vẫn bàng hoàng như việc Bác vào thăm Tết nhà chị không rõ là thật hay hư.

Trên xe về Phủ Chủ tịch, vầng trán mênh mông của Người còn đượm những nét suy nghĩ.

Đ/c Xoàn khẽ trình bày với Bác:

- Thưa Bác, năm nay Thành ủy Hà Nội đã để ra mười vạn đồng trợ cấp cho các gia đình túng thiếu.

Bác quay lại nhìn đ/c Xoàn rồi bảo:

- Bác biết, nhưng muốn cho mọi người vui Tết, trước hết phải lo cho ai cũng có việc làm. Phải chú ý những người có khó khăn đặc biệt.

Tôi đã đọc câu chuyện này rất nhiều lần, và lần nào cũng không ngăn được xúc động của mình trước hình ảnh một vị Chủ tịch nước đã ân cần đi sâu, đi sát vào đời sống của nhân dân. Đã không còn ranh giới giữa người đứng đầu đất nước với một gia đình lao động nghèo. Hành động bác đến với người nghèo là sự chia sẻ chứ không phải trong tư thế người bề trên nhìn xuống, hay chỉ là người động lòng trắc ẩn từ ngoài nhìn vào và đây cũng là bài học gần dân, thương dân, đấu tranh chống sự vô cảm, lãnh đạm thờ ơ trước những khó khăn của dân. Từng hành động cử chỉ của người khiến trái tim tôi thắt nghẹn lại bởi sự cảm phục từ cách người  đến với nhân dân rất giản dị, không cầu kỳ, hoa mỹ mà rất gần gũi, chân tình:

Và tôi chợt hiểu:

“ Vì sao trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh

Như một niềm tin như dũng khí,

Như lòng nhân nghĩa đức hi sinh”

Những mẩu chuyện về Bác không xa vời, huyễn hoặc mà rất gần gũi thiết thực đã trở thành một di sản tinh thần quý báu của dân tộc ta. Và trong thời điểm này, tất cả chúng ta, những cán bộ, nhân viên, người lao động thuộc Trung tâm y tế huyện Cam Lộ đang cùng với toàn đảng, toàn dân và toàn quân nguyện suốt đời học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thiết nghĩ bài học về  lòng nhân ái, phong cách quần chúng, gần dân, thương dân; bài học về sự giản dị của Bác thật thấm thía, sâu sắc và có ý nghĩa lớn lao với tất cả chúng ta. Nếu chúng ta vận dụng tư tưởng của Bác vào trong từng hành động và việc làm cụ thể, dù ở trong gia đình hay trong công việc thì chúng ta luôn đạt được thành công.  

Trong những năm qua, cán bộ, nhân viên và người lao động thuộc Trung tâm y tế huyện Cam Lộ đã luôn thực hiện lời Bác Hồ dạy “Lương y phải như từ mẫu” để gần gũi với người bệnh, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ người bệnh không phân biệt thành phần xã hội trên tinh thần “Bệnh nhân đến, đón tiếp niềm nở; bệnh nhân ở, chăm sóc tận tình; bệnh nhân về, dặn dò chu đáo” xứng đáng là những người thầy thuốc của nhân dân của bệnh viện đa khoa huyện bởi tất cả đều phục phụ người dân với tiêu chí “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”. Với tinh thần học Bác từ những việc làm cụ thể nhất, tập thể Bệnh viện đa khoa huyện và 01 cá nhân của bệnh viện đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tôn vinh trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2016. Và còn rất nhiều câu chuyện, nhiều trường hợp cán bộ, nhân viên, người lao động vì bệnh nhân đã không quản ngày hay đêm, ngày thường hay thứ 7, chủ nhật, lễ, tết…sẵn sàng hy sinh hạnh phúc, niềm vui riêng của bản thân, của gia đình mình để khám chữa bệnh, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân mà không hề đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào. Tôi biết trong quá trình cấp cứu cho các trường hợp bị chấn thương hở hoặc tai nạn, những bác sỹ, y tá, điều dưỡng, hộ lý dẫu biết người bệnh đang bị nhiễm HIV/AIDS hay các bệnh lây nhiễm khác song vẫn bất chấp hiểm nguy, nhiệt tình, tận tâm cấp cứu, dành dật sự sống về cho người bệnh. Chị Lê Thị Đức - Cộng tác viên dân số thôn Lâm Lang 2 xã Cam Thủy đã không quản ngày nắng, đêm mưa đến từng nhà để nắm, để hiểu từng hoàn cảnh của người dân rồi đưa ra cho họ những lời khuyên bổ ích nhất cho việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và trong quá trình công tác đã không ít lần chị đã bỏ ra những đồng phụ cấp ít ỏi của mình mua hộp sữa hay ổ bánh mì để hỗ trợ thêm cho những chị em trong khi đưa họ đi thực hiện biện pháp tránh thai và năm 2017 chị đã được Tổng cục Dân số - Kế hoạch gia đình khen thưởng. Và còn rất nhiều tập thể, cá nhân trong Trung tâm đã vì nhân dân mà phục vụ, hết lòng tận tụy với nhiệm vụ được giao để hoàn thành công việc đạt hiệu quả cao nhất. Đó là, các cán bộ, nhân viên thuộc khối công tác Hành chính đã tận tình hướng dẫn người bệnh làm các thủ tục nhập và xuất viện hay những thủ tục khác theo đúng quy định của pháp luật, của ngành và của đơn vị hoặc kịp thời đảm bảo các chế độ cho cán bộ, nhân viên, người lao động của Trung tâm; đó là sự tận tâm, tỷ mỉ của các cán bộ, nhân viên ở khoa xét nghiệm để đảm bảo kết quả chính xác nhất phục vụ tốt nhất cho các bác sỹ điều trị chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân; đó là những đồng chí làm công tác Dân số đã vượt lên mọi khó khăn, luôn bám sát địa bàn với phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để hoàn thành tốt những chỉ tiêu về công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dân số trong toàn huyện; đó là những cán bộ, nhân viên các bộ phận thuộc Y tế dự phòng luôn bám sát nhiệm vụ, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm hay quản lý chặt chẽ về sức khỏe của cộng đồng….tất cả, tất cả đã hoàn nhập, đã hỗ trợ, đã hòa đồng cùng nhau để tạo nên một phong trào rộng khắp, một vườn hoa đẹp trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những hiện tượng thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau, số phận không may của người dân, của bệnh nhân; đâu đó vẫn còn cách làm việc quan liêu, hời hợt, chưa tận tâm với nghề, chưa quan tâm đến người bệnh hay chưa có được cách giao tiếp, ứng xử làm vui lòng người bệnh, gia đình người bệnh đã và đang còn tồn tại đâu đó trong đơn vị chúng ta. Để dần đẩy lùi và chấm dứt căn bệnh xa dân, vô cảm trước nỗi đau của người dân, của người bệnh, một căn bệnh được ví như là “Ung thư tâm hồn” thì:

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tư cách đạo đức người cán bộ, người thầy thuốc luôn học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

Hai là, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình nhằm phát hiện, ngăn ngừa mọi biểu hiện xa dân, vô cảm trong cơ quan, đơn vị mình.

Ba là, bảo đảm dân chủ, khách quan trong công tác phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ, đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách hành chính công.

Bốn là, mỗi một cán bộ, nhân viên, người lao động phải luôn tự soi mình, sửa mình trong từng công việc, phải xây dựng tinh thần đoàn kết, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình thực hiện công việc.

Mỗi người phải biết sống vì mọi người, biết yêu thương, chia sẻ, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, trong công việc, biết cảm thông sâu sắc đối với nỗi đau thương, mất mát của người khác bởi một trái tim vô cảm chẳng khác nào một trái tim đã chết. Vì vậy chúng ta hãy sống biết yêu thương, sống chân thành và độ lượng, hãy mở rộng trái tim để yêu thương và hãy cho đi thật nhiều tình yêu thương để tìm kiếm sự bình yên trong chính cuộc sống này. 

Từ câu chuyện của Bác tôi hiểu thêm rằng  “Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim”, “gieo yêu thương sẽ gặt hái thương yêu”. Cám ơn Bác, cám ơn những câu chuyện nhỏ từ chính cuộc đời Bác - vị lãnh tụ vĩ đại, người công bộc tận tụy trung thành của nhân dân đã giúp cho mỗi một chúng ta soi mình, rèn mình, để hoàn thiện mình hơn.

Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy nặng phù sa.


Trình bày: Phòng Dân số

 

Các tin khác
Thư mời chào giá Mua sắm hàng hóa (- Ngày cập nhật: 13/08/2024)
Thư mời chào giá Mua sắm hàng hóa (- Ngày cập nhật: 07/06/2024)
Thư mời chào giá Mua sắm hàng hóa (- Ngày cập nhật: 29/05/2024)
Yêu cầu báo giá hóa chất huyết học (- Ngày cập nhật: 21/05/2024)
Thư mời chào giá mua sắm hàng hóa (- Ngày cập nhật: 07/05/2024)
Yêu cầu báo giá Mua sắm vật tư y tế (- Ngày cập nhật: 09/04/2024)
Yêu cầu báo giá sữa chữa giường bệnh nhân (- Ngày cập nhật: 09/04/2024)
Thư mời chào giá Cải tạo phòng khám hô hấp (- Ngày cập nhật: 19/09/2023)
Thư mời chào giá Mua sắm ấm sắc thuốc (- Ngày cập nhật: 13/09/2023)
Thư mời chào giá Mua sắm hàng hóa (- Ngày cập nhật: 10/08/2023)
Thư mời chào giá Mua sắm bàn ghế văn phòng (- Ngày cập nhật: 05/04/2023)
Thư mời chào giá Mua sắm Máy lọc nước (- Ngày cập nhật: 05/04/2023)
Thư mời chào giá Mua sắm trang thiết bị (- Ngày cập nhật: 29/03/2023)
Phòng chống lũ quét (- Ngày cập nhật: 27/10/2020)
Phòng chống sạt lỡ đất (- Ngày cập nhật: 27/10/2020)
Cần làm gì trước bão? (- Ngày cập nhật: 27/10/2020)