Địa chỉ: Khóm 4, Thị trấn Cam Lộ, Huyện Cam Lộ, Tỉnh Quảng Trị
Bài kể chuyện sinh hoạt dưới cờ tháng 8 năm 2019
Cập nhật 04/09/2019 Lượt xem 970

Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, một nhà giáo dục lớn và là người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam. Bác đã để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh. Người đã trở thành bất tử trong lòng nhân dân, đất nước và mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho chúng ta học tập và phấn đấu.

Sách "Sửa đổi lối làm việc" ký tên X.Y.Z của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 10/1947, được Nhà xuất bản Sự thật xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948. Chương V của sách có tiêu đề "Cách lãnh đạo". Tiết 3 của chương này được Bác đặt tên "Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng", trong bài có đoạn Bác nhấn mạnh rằng "Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được", "Dân chúng không ủng hộ việc gì làm cũng không nên". Dân chúng sẽ không tin chúng ta nếu cán bộ không nhiệt thành, khiêm tốn, chịu khó học hỏi dân chúng, "Biết, họ không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời”

Đề cập đến đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay "so sánh". Bác viết rất cụ thể: "Họ so sánh bây giờ và họ so sánh thời kỳ đã qua. Họ so sánh từng việc và họ so sánh toàn bộ. Do sự so sánh, họ thấy chỗ khác nhau, họ thấy mối mâu thuẫn. Rồi lại do đó, họ kết luận, họ đề ra cách giải quyết".

Trong khi viết bài của mình, Bác Hồ cho biết: "Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng", là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy.

Vì sự so sánh kỹ càng đó mà cách giải quyết của dân chúng bao giờ cũng gọn gàng, hợp lý, công bình", "Dân chúng cũng do cách so sánh đó mà họ biết rõ ràng (cán bộ)…" Bác còn dặn: "Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau", "Cố nhiên không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo".

Và Bác Hồ dạy cán bộ cũng phải biết so sánh, "So đi sánh lại, sẽ lòi ra một ý kiến mà mọi người đều tán thành, hoặc số đông người tán thành", "thành một ý kiến đầy đủ, ý kiến đó tức là cái kích thước nó tỏ rõ sự phát triển trình độ của dân chúng trong nơi đó, trong lúc đó. Theo ý kiến đó mà làm, nhất định thành công”.

 "So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học". Cuối cùng Bác Hồ căn dặn và mong muốn “làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm”.

Cán bộ là "Trung tâm của vấn đề", rường cột của tổ chức, "cán bộ quyết định tất cả" . Cần phải "so đi sánh lại" để chọn đúng cán bộ cần cho Đảng, cho quân đội. "Làm như thế, chính sách cán bộ, nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng". Đó là những dòng chữ kết luận cuối cùng của Bác Hồ trong bài viết năm 1947 ấy.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý người cán bộ, Đảng viên phải luôn học hỏi quần chúng. Cũng trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Người viết: Dân chúng rất khôn khéo, rất anh hùng.

Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng… Mỗi khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng. Người cán bộ phải có tác phong quần chúng, sâu sát, tin yêu, tôn trọng quần chúng bởi Đảng là từ quần chúng mà ra, vừa lãnh đạo vừa giáo dục lại vừa thường xuyên học hỏi quần chúng.

Lắng nghe ý kiến quần chúng nhưng tuyệt đối không nên "theo đuôi" quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại.

Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”. Người nhấn mạnh: “Cách làm việc, cách tổ chức... của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”.

Để có phong cách làm việc sát quần chúng, hợp quần chúng, Người yêu cầu cán bộ phải thường xuyên tiếp xúc làm việc với quần chúng, nắm tâm tư nguyện vọng và thật sự quan tâm tới đời sống mọi mặt của họ. Đồng thời phải tin yêu tôn trọng quần chúng, lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình xây dựng của quần chúng; không chỉ giáo dục mà còn phải học hỏi quần chúng và nêu gương cho quần chúng noi theo.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngay lúc này, mỗi cán bộ, Đảng viên, người lao động trong tập thể Trung tâm y tế huyện Cam Lộ chúng ta cần phải suy ngẫm và nghiêm túc thực hiện.

Thực tiễn tại Trung tâm y tế huyện Cam Lộ chỉ sau hơn 2 năm sáp nhập, mặc dù vẫn đang trong quá trình sắp xếp và củng cố bộ máy tổ chức, hoạt động, song chúng ta đã thực hiện một khối lượng công việc lớn và cấp bách như: phân công, bố trí nhân sự phù hợp với từng vị trí việc làm; xây dựng các nội quy, quy chế làm việc tại Trung tâm; từng bước hoàn chỉnh các quy trình, quy chuẩn để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ngay từ đầu năm, Ban giám đốc, các phòng chức năng tham gia giao ban từng khoa, phòng để nắm bắt, tháo gở những khó khăn vướng mắc thực tế tại từng nơi. Khi xây dựng các quy chế đều lấy ý kiến rộng rãi trong toàn thể công chức, viên chức và người lao động để tổng hợp và đi đến thống nhất trước khi trình Giám đốc phê duyệt, ban hành chính thức.

Tuy nhiên, có một số khoa, phòng khi triển khai công việc chưa quán triệt đầy đủ tinh thần tập thể, tập hợp ý kiến tập thể một cách qua loa, hình thức dẫn đến tình trạng một số cá nhân còn thờ ơ, xem nhẹ hoạt động, mục tiêu chung của tập thể.

Với thực trạng của 01 đơn vị mới sáp nhập, về quy mô hoạt động, cơ cấu tổ chức đều vẫn rất mới mẻ nên việc xây dựng các quy chế, chính sách phát huy nội lực, sức mạnh khối đoàn kết tạo động lực xây dựng tập thể ngày càng vững mạnh là một vấn đề rất quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, chúng ta cần ghi nhớ và học tập lời nhắc nhở của Người: Người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh” . Vì chính điều đó sẽ giúp mỗi cá nhân cũng như tập thể tìm ra cốt lõi vấn đề và giải quyết vấn đề một cách ưu việt, hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, thiết thực trong thực tiễn phục vụ cộng đồng.

 Trong thực thi nhiệm vụ, mỗi cá nhân cũng như tập thể cần xây dựng phong cách làm việc khoa học. “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy”  và “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”.

Khi ra các quyết định bao giờ cũng phải có thông tin đầy đủ và bảo đảm có phương án thực thi hiệu quả. Và quan trọng hơn là khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện những công việc khác tốt hơn.

Đặc biệt, trong công tác lãnh đạo, quản lý cần học tập theo Người việc thực hành tốt dân chủ, minh bạch trong các chính sách, đặc biệt là các cơ chế, chính sách liên quan đến con người và tài chính; tôn trọng các quyết định của tập thể, biết lắng nghe ý kiến của mọi người để phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo và quy tụ được sức mạnh, sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, tạo nên sức mạnh to lớn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Để làm được điều đó, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nói riêng và mỗi cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị nói chung phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tận tâm, tận tụy với công việc. Trong công tác, người cán bộ phải nêu gương, thể hiện rõ thái độ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể. Muốn vậy, mỗi người phải phấn đấu, tu dưỡng không ngừng trong học tập và trong công tác.

Với mỗi chúng ta, nhắc đến Bác Hồ nghĩa là nhắc đến vị cha già kính yêu của dân tộc. Đã 50 năm kể từ ngày Bác ra đi theo thế giới nhưng cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Người đã trở thành bất tử.

 Người là kết tinh những gì ưu tú nhất, tốt đẹp nhất của trí tuệ và đạo đức Việt Nam. Phẩm chất và đạo đức của Người mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ con dân nước Việt nói riêng và nhân loại nói chung học tập, phấn đấu. Có một nhà báo nước ngoài từng viết: “Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh, nhưng ở Hồ Chí Minh, người ta có thể học được một điều gì đó để làm cho mình trở thành tốt hơn và có ích hơn cho cộng đồng, xã hội”.

(Khoa Y tế công cộng-Dinh dưỡng-Truyền thông giáo dục sức khỏe)

Các tin khác
THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG VIÊN CHỨC 2024 (- Ngày cập nhật: 30/09/2024)
Thư mời chào giá Mua sắm hàng hóa (- Ngày cập nhật: 13/08/2024)
Thư mời chào giá Mua sắm hàng hóa (- Ngày cập nhật: 07/06/2024)
Thư mời chào giá Mua sắm hàng hóa (- Ngày cập nhật: 29/05/2024)
Yêu cầu báo giá hóa chất huyết học (- Ngày cập nhật: 21/05/2024)
Thư mời chào giá mua sắm hàng hóa (- Ngày cập nhật: 07/05/2024)
Yêu cầu báo giá Mua sắm vật tư y tế (- Ngày cập nhật: 09/04/2024)
Yêu cầu báo giá sữa chữa giường bệnh nhân (- Ngày cập nhật: 09/04/2024)
Thư mời chào giá Cải tạo phòng khám hô hấp (- Ngày cập nhật: 19/09/2023)
Thư mời chào giá Mua sắm ấm sắc thuốc (- Ngày cập nhật: 13/09/2023)
Thư mời chào giá Mua sắm hàng hóa (- Ngày cập nhật: 10/08/2023)
Thư mời chào giá Mua sắm bàn ghế văn phòng (- Ngày cập nhật: 05/04/2023)
Thư mời chào giá Mua sắm Máy lọc nước (- Ngày cập nhật: 05/04/2023)
Thư mời chào giá Mua sắm trang thiết bị (- Ngày cập nhật: 29/03/2023)
Phòng chống lũ quét (- Ngày cập nhật: 27/10/2020)
Phòng chống sạt lỡ đất (- Ngày cập nhật: 27/10/2020)
Cần làm gì trước bão? (- Ngày cập nhật: 27/10/2020)